QUY TRÌNH SẢN XUẤT CÂY NGÔ LẤY BẮP
(Tên khoa học: Zea mays L.)
I. YÊU CẦU SINH THÁI
1. Nhiệt độ, ánh sáng
- Nhiệt độ: Ngô là cây ưa nóng, nên nhu cầu nhiệt độ cao hơn nhiều cây trồng khác để hoàn thành chu kỳ sống từ gieo đến chín. Ngô phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ ngày từ 24-30°C; nhiệt độ >38°C ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Hạt phấn của cây ngô có thể bị chết khi nhiệt độ quá 35°C. Ngược lại, nhiệt độ quá thấp dưới 12°C cũng ảnh hưởng xấu tới quá trình sống của cây, đặc biệt vào giai đoạn nảy mầm ra hoa.
- Ánh sáng: Là cây có nguồn gốc nhiệt đới nên cây ngô chỉ sinh trưởng khoẻ, cho năng suất cao trong điều kiện đầy đủ ánh sáng; thời gian chiếu sáng thích hợp 10-13h ánh sáng/ngày.
2. Ẩm độ và nước
- Ngô là cây có khả năng chịu hạn hơn so với cây ngũ cốc khác (bình quân mỗi ngày cây ngô bay hơi 1 kg nước). Quá trình hút nước của rễ rất mạnh, trung bình suốt thời gian sinh trưởng của cây ngô cần 200-280 lít nước, có lượng mưa từ 500 -700mm nước là đủ.
- Ngô là cây ưa ẩm nhưng chịu úng kém. Nếu độ ẩm quá cao cây ngô dễ bị đổ hoặc đất bị bí chặt, thiếu ôxy làm cho cây còi cọc, lá vàng rồi chết.
+ Giai đoạn từ 3-4 lá (giai đoạn cây con) cây ngô cần khoảng 20-25% tổng lượng nước cần trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây ngô.
+ Giai đoạn từ 7-8 lá đến khi trỗ cờ (Giai đoạn lớn vọt) cây ngô cần nhiều nước nhất khoảng 60% tổng lượng nước vì ngô đang trong thời kỳ sinh trưởng thân, lá mạnh, đồng thời đang bắt đầu hình thành bắp, cuối giai đoạn này trước lúc trổ cờ 10-15 ngày, ngô cần nước nhiều nhất.
+ Giai đoạn chín: Yêu cầu về nước của ngô giảm rõ rệt, lượng nước cần khoảng15-25%. Giai đoạn này nước cần cho quá trình vận chuyển các chất hữu cơ về hạt, nếu thời kỳ chín sữa thiếu nước sẽ làm cho hạt chín ép.
3. Đất trồng
Ngô thích hợp với nhiều loại đất, trong đó thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất phù sa ven sông ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ; loại đất có thành phần cơ giới nặng hơn như trồng ngô đông ở đồng bằng Bắc Bộ.
II. YÊU CẦU VỀ GIỐNG
Nên sử dụng giống được lưu hành (có quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành hoặc giống địa phương đã được công nhận lưu hành đặc cách).
Lựa chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và sử dụng cây giống khỏe, sạch sâu bệnh.
Một số giống ngô đang trồng phổ biến: Giống ngô ngọt: Hi-Brix 79, Honey 10, SSW18...; giống ngô nếp: VN2, HN88, HN 68, nếp nù, MX10...
Căn cứ các yếu tố như điều kiện trồng, chăm sóc, đặc thù của giống cây, nhu cầu của thị trường, thời gian bảo quản,… để lựa chọn giống phù hợp.
III. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG
1. Thời vụ
Vụ Xuân: gieo trồng quanh tiết lập xuân từ 20/1-25/2; vụ Thu Đông: trồng 1-15/9; vụ Đông trồng: 20/9-10/10.
2. Làm đất
Trước khi trồng cần xử lý đất, xử lý nguồn bệnh trong đất bằng một số biện pháp như: cày phơi ải, xử lý vôi bột...; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ có bổ sung các vi sinh vật có ích để cải tạo đất và hạn chế nguồn sâu bênh hại tồn tại trong đất.
Tiến hành làm đất tơi xốp, sâu, thoáng, giữ ẩm tốt, cày bừa kỹ sạch cỏ dại.
Sau đó lên luống, việc phân luống tuỳ theo từng chân đất và địa hình cụ thể như sau:
- Đối với chân đất cao, dễ thoát nước: Làm thành từng băng rộng 4-6m hoặc từ 10-12m và cứ cách 2-3 băng, bố trí một rãnh thoát nước mưa khi cần thiết.
- Đối với chân đất thấp, dễ bị ngập úng khi mưa: Phải làm luống cao từ 20-30cm hoặc cao hơn tùy điều kiện cụ thể để ruộng dễ thoát nước và thoát nước nhanh. Mặt luống rộng 1,2-1,5m. Đối với gieo hạt trực tiếp: Tra hạt theo các hốc trên rạch cách nhau 7-12 cm, mỗi hốc 1-2 hạt.
3. Mật độ
Tùy theo giống, vụ trồng, mức độ thâm canh để điều chỉnh mật độ trồng. Lượng giống dùng cho 01ha khoảng: 18 kg. Một hốc chỉ cần gieo 1 hạt, 1 sào nên gieo dự phòng vào khoảng trống 2-3 hàng để dặm. Mật độ trồng 6,0 vạn cây/ha. Khoảng cách: hàng cách hàng: 60-70cm, cây cách cây: 25-30cm. Vụ Đông Xuân và Thu Đông trồng dày hơn vụ Hè Thu.
4. Gieo trồng
- Về cách thức gieo: Có nhiều hình thức gieo khác nhau, có thể gieo trực tiếp 1 hạt/hốc hoặc gieo trong bầu, khi ngô đạt từ 2 -3 lá sẽ đưa ra ngoài ruộng. Đối với làm bầu chỉ nên áp dụng đối với các giống ngô có tỷ lệ nảy mầm thấp, cây con yếu hoặc trồng trên chân đất sau lúa mùa chưa được gặt.
- Kỹ thuật trồng:
Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh từ 3-5h, sau đó ủ trong khăn ẩm hoặc tra trực tiếp xuống đất cát rồi giữ ẩm cho đến khi mầm mọc khỏi mặt đất.
Có thể gieo hạt trực tiếp hoặc làm bầu trên chân đất hai lúa để tranh thủ thời vụ. Thời gian cây con trong bầu khoảng 5-7 ngày, khi cây mọc được 1,5- 2 lá thì đem trồng. Tùy thuộc vào thời gian sinh trưởng của giống và đặc tính của giống ngô.
IV. CHĂM SÓC
1. Bón phân
1.1. Lượng phân bón: Khuyến cáo lượng phân bón trung bình cho 1 ha.
1.2. Phương pháp bón
1. Bón lót bằng phân hữu cơ Thiên Quyến Plus:
• Tác dụng: Bón phân hữu cơ Thiên Quyến Plus vào hốc hoặc rãnh trước khi gieo hạt giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây ngay từ khi bắt đầu sinh trưởng. Phân hữu cơ Thiên Quyến Plus cung cấp nguồn chất hữu cơ dồi dào, giúp cải thiện cấu trúc đất, làm tăng khả năng giữ nước và thông thoáng cho đất. Đồng thời, phân cung cấp các vi sinh vật có ích giúp cải thiện độ màu mỡ và độ phì nhiêu của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ cây phát triển mạnh mẽ và hấp thụ tốt các dưỡng chất.
• Cách bón: Trộn đều phân hữu cơ Thiên Quyến Plus vào đất trong hốc hoặc rãnh ở độ sâu khoảng 15-20 cm, sau đó lấp đất kín và gieo hạt lên trên. Điều này giúp phân phân tán đều và cây có thể dễ dàng hấp thụ dưỡng chất khi bắt đầu phát triển.
- Bón thúc: bón làm 3 đợt:
1. Bón thúc đợt 1 (Khi ngô 3-4 lá):
o Tác dụng: Bón phân hữu cơ Thiên Quyến 232 cung cấp đạm, phốt pho và kali giúp cây ngô phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn cây con. Đạm giúp cây phát triển tán lá, phốt pho thúc đẩy sự phát triển rễ, và kali giúp cây cứng cáp hơn, chống chịu tốt với các yếu tố bên ngoài. Bón phân trong giai đoạn này giúp cây có nền tảng vững chắc để tiếp tục sinh trưởng.
2. Bón thúc đợt 2 (Khi ngô 7-9 lá):
o Tác dụng: Giai đoạn này cây ngô bắt đầu phát triển mạnh về tán lá và thân, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Việc bón phân Thiên Quyến 232 giúp cung cấp đạm cho cây phát triển tán lá, đồng thời phốt pho hỗ trợ sự phát triển của rễ. Kali giúp cây ngô sinh trưởng đồng đều và mạnh mẽ, sẵn sàng cho giai đoạn trỗ cờ sắp tới.
3. Bón thúc đợt 3 (Trước trỗ cờ):
o Tác dụng: Trước giai đoạn trỗ cờ, ngô cần một lượng dinh dưỡng dồi dào để phát triển hoa và chuẩn bị cho giai đoạn hình thành bắp. Bón phân hữu cơ Thiên Quyến 232 giúp bổ sung thêm các chất cần thiết, đặc biệt là kali, giúp cây ngô chống chịu tốt hơn với các yếu tố môi trường và phát triển bắp khỏe mạnh. Giai đoạn này cũng giúp cây ngô tạo ra hoa, từ đó hình thành bắp năng suất cao.
Sau mỗi lần bón phân, cần lấp đất lên để phân không bị bay mất và phát huy tác dụng tốt nhất. Không nên bón phân khi đất quá khô hoặc quá ẩm để tránh gây hại cho cây và làm giảm hiệu quả phân bón.
Lưu ý:
• Cải tạo đất: Phân hữu cơ giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng độ tơi xốp và khả năng giữ nước, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau.
• Chăm sóc bổ sung: Tùy theo điều kiện thực tế, bà con có thể kết hợp bón phân hữu cơ với các biện pháp chăm sóc truyền thống để đạt hiệu quả tối ưu.
2. Nước tưới và biện pháp chăm sóc khác
Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm đảm bảo hiệu quả, thích ứng với biển đổi khí hậu, cụ thể như sau:
- Vun gốc kết hợp làm cỏ sau khi bón thúc đợt 1.
- Vun cao gốc kết hợp làm cỏ lần cuối cho ngô khi bón thúc lần 2.
- Tưới nước: dựa vào nhu cầu sinh trưởng của cây tưới nước 3 lần:
+ Lần 1: Khi cây 7-9 lá tưới ngập 1/3 luống sau khi bón thúc
+ Lần 2: Trước trỗ cờ 10-15 ngày tưới ngập 2/3 luống thấm đều rồi rút cạn;
+ Lần 3: Sau thụ phấn xong tưới ngập 1/3 luống rồi rút cạn.
Sau khi cây trỗ cờ phun râu ta có thể tiến hành rút 10-15% cờ trên cây xấu hoặc bẻ cờ sau khi thụ phấn xong để tập trung dinh dưỡng về bắp.
V. QUẢN LÝ SINH VẬT GÂY HẠI
1. Một số sinh vật gây hại chính
1.1. Sâu hại
- Sâu xám: Gây hại chủ yếu ở thời kỳ cây còn non. Sâu thường gây hại vào ban đêm. Sâu cắn ngang cây non, lôi xuống đất để ăn. Sâu xám phá hại mạnh từ lúc ngô mọc mầm đến khi 5-6 lá. Khi cây ngô có 7-8 lá, sâu xám thường đục qua gốc vào bên trong thân, ăn phần mềm ở giữa làm cây ngô héo và chết.
- Sâu đục thân ngô: Gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây ngô và hại ở tất cả các bộ phận (thân, lá, bắp, cờ). Khi cây ngô còn nhỏ, sâu đục vào nõn làm chết điểm sinh trưởng. Khi cây ngô lớn hơn, sâu đục vào thân làm cản trở quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, khi gặp gió bão cây ngô sẽ bị đổ gãy. Khi trỗ cờ, sâu đục vào cờ làm gãy cờ, đục vào bắp làm thối bắp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng ngô.
- Rệp muội : Thường gây hại từ khi cây ngô 8-9 lá đến khi thu hoạch. Rệp bám trên lá, trong nõn, bẹ lá, lá bi, hoa cờ… chích hút nhựa các bộ phận làm cho cây còi cọc, bắp nhỏ, năng suất và chất lượng ngô giảm. Rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn. Rệp ngô còn là môi giới truyền vi-rút gây bệnh khảm lá, đốm lá ngô.
- Sâu keo mùa thu: Sâu keo mùa thu gây hại trong suốt quá trình sinh trường và phát triển của cây ngô. Sâu mới nở ăn mô lá ở một phía của lá để lại lớp biểu bì mỏng ở mặt đối diện của lá. Đến tuổi 2 và 3, ấu trùng bắt đầu ăn đứt phiến lá và tạo những lỗ thủng trên lá, sâu tấn công vào đọt non của lá khi lá ngô lớn sẽ tạo thành một hàng lỗ trên phiến lá. Ấu trùng tuổi lớn hơn ăn đứt gân lá gây rụng lá trên diện rộng. Đặc biệt, chúng thích tấn công vào đọt cây ngô và ăn phá trong đó gây ra thiệt hại rất nặng. Khi ngô đã mang bắp, sâu cón thể tấn công vào cả phần hạt.
1.2. Bệnh hại
- Bệnh khô vằn: Hạch nấm tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh và hạt giống. Nấm bệnh gây hại cho ngô từ khi mới nảy mầm đến khi thu hoạch. Cây ngô bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mầm thường còi cọc và vàng, nhưng thường gây hại nặng ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ đến làm hạt.
- Bệnh đốm lá lớn: Nấm bệnh xâm nhập vào lá qua các bộ phận còn non trên cây. Những ruộng ngô sinh trưởng kém, ít được chăm sóc hoặc những ruộng thường xuyên bị thiếu nước... làm cho cây ngô sinh trưởng kém, còi cọc, không phát triển được là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh phát triển. Các giống ngô địa phương bị bệnh nặng hơn các giống ngô lai. Tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng là nguồn lây nhiễm cho vụ sau.
- Bệnh đốm lá nhỏ: Bệnh gây hại chủ yếu ở phiến lá, bẹ lá và hạt. Bệnh gây hại từ khi cây có 2 - 3 lá cho đến hết thời kỳ sinh trưởng của cây. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, như mũi kim, hơi vàng sau đó lớn rộng thành hình tròn, hoặc hình bầu dục nhỏ, kích thước vết bệnh khoảng 5-6 x1,5mm. Vết bệnh màu nâu, hoặc ở giữa hơi xám, có viền màu nâu đỏ, nhiều khi vết bệnh có màu quầng vàn. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành đám lớn làm tổn thương lá và giảm quang hợp ảnh hưởng đến năng suất ngô.
- Bệnh sọc lá: Một trong những nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng là nông dân chưa nhận diện được bệnh và dùng thuốc chưa đúng. Cách nhận diện bệnh: lá ngô có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá và lá hẹp hơn bình thường; lá đứng, có thể bị rách. Có những sợi tơ nấm màu trắng phát triển ở cả hai mặt của phiến lá. Cây ngô bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt. Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.
- Bệnh lùn sọc đen: Đây là bệnh phổ biến khi trồng ngô trên đất lúa. Tác nhân gây bệnh do do vi-rút gây bệnh lùn sọc đen phương nam gây ra,. Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là cây thấp lùn, lá ngọn xoăn, lá xanh đậm hơn bình thường; phiến lá dày và giòn; một số cây gốc mọc thêm nhiều chồi phụ. Khi cây có 4-6 lá thì có u sáp sần xùi trên đốt thân, dọc gân ở mặt sau lá, cổ lá xếp xít nhau và xòe ngang. Cây bị bệnh có thể không ra bắp hoặc có thể có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.
- Chuột: Là sinh vật gây thiệt hại rất lớn đối với cây ngô, chúng có thể cắn phá cây ngô ở bất kỳ giai đoạn nào.
2. Biện pháp quản lý
Thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại, cụ thể:
2.1. Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học
- Biện pháp canh tác: Làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu bệnh tích lũy, lây lan ngay từ đầu vụ; luân canh với cây trồng khác không phải là ký chỉ một số sâu bệnh chính hại ngô; lựa chọn thời vụ gieo trồng thích hợp đảm bảo cho ngô sinh trường, phát triển tốt, tránh các đợt cao điểm của dịch bệnh; lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng; sử dụng phân bón hợp lý.
- Biện pháp thủ công: Ngắt ổ trứng, bắt sâu bằng tay, tỉa cây bị bệnh, bóc tỉa bộ phận, lá bệnh và tàn dư đem tiêu hủy. Làm sạch cỏ, xới xáo vệ sinh đồng ruộng hạn chế nơi trú ngụ và ký chủ phụ của dịch hại, nhằm hạn chế số lượng dịch hại trên đồng ruộng. Sử dụng tro bếp, nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và nhân thả thiên địch, có thể sử dụng thuốc sinh học, nguồn gốc sinh học để bảo vệ thiên địch. Áp dụng các kỹ thuật canh tác hợp lý như trồng xen, trồng gối vụ tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.
2.2. Biện pháp hóa học
- Phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại, đánh giá nhận định mức độ hại để quyết định phòng trừ hiệu quả. Sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ các loài sinh vật gây hại khi đến ngưỡng.
- Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và tham khảo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trên địa bàn; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
- Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu bệnh kháng thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch.
VI. THU HOẠCH
- Đối với các giống ngô nếp, ngô ngọt, nếu thu bắp tươi, thu sau phun râu 18-20 ngày (60-70 ngày sau gieo).
- Đối với các giống ngô lai lấy hạt khô, xác định thời điểm thu hoạch ngô bằng việc quan sát hạt ngô ở đầu bắp và cuối bắp. Khi lá bao bắp đã khô, hạt cứng, lay thử hạt, nếu ở chân các hạt có lớp màu đen là ngô đủ chín có thể thu hoạch.
- Nên chặt ngọn phơi bắp ngoài đồng 5-7 ngày trước khi thu hoạch. Sau đó bóc vỏ phơi bắp vài nắng (ẩm độ còn khoảng 20-24%) để khi thu hoạch tách hạt giảm tỷ lệ nứt. Nếu để lâu nên phơi hạt còn độ ẩm 14-15%. Thân lá cây ngô sau khi thu hoạch nên cày vùi tại ruộng nhằm giúp cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho vụ sau.
- Năng suất trung bình khoảng 5,4 tấn/ha.